Post Top Ad

03 6月, 2023

「朝礼・終礼」Nét văn hóa chourei (tập trung chào buổi sáng) và shurei (tập trung báo cáo cuối ngày) trong các công ty Nhật Bản

Nếu là một người yêu hích văn hóa Nhật Bản, hoặc văn hóa làm việc của các công ty Nhật Bản thì chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến nét văn hóa chorei (朝礼 - tập trung chào buổi sáng) và shurei(終礼 - tập trung báo cáo cuối ngày) tại các công ty Nhật Bản. Đây có thể coi là một nét văn hóa vô cùng độc đáo và mang tính đặc trưng tại Nhật Bản đã được gìn giữ từ lâu xuyên suốt lịch sử Nhật Bản từ thời kỳ Minh Trị (theo một số tài liệu nghiên cứu). 

「朝礼・終礼」Nét văn hóa chourei (tập trung chào buổi sáng) và shurei (tập trung chào cuối ngày) trong các công ty Nhật Bản
朝礼(TRIÊU LỄ) ちょうれい: có thể tạm dịch là sự tập trung cùng nhau vào buổi sáng đầu giờ làm việc (học tập). Nội dung của việc tập trung chourei có thể khác nhau với từng công ty. Nhưng chủ yếu là để nghe báo công nội dung công việc sẽ làm của ngày hôm đó (tuần đó). Một số công ty còn có thêm nội dung đọc các câu nói tôn chỉ, phương châm 指針、ししん(nguyên tắc kinh doanh) riêng mà công ty đã quy định và nghe bài phát biểu スピーチcảm xúc của một (hoặc một vài cá nhân). Cũng có nhiều công ty có thể có thêm nội dung là cùng nhau tập bài thể dụng khởi động buổi sáng (ラジオ体操、Rajio Taiso, đây cũng là một nét văn hóa lâu đời và đọc đáo tại Nhật Bản).

終礼(CHUNG LỄ) しゅうれい: có thể tạm dịch là sự tập trung cùng nhau vào cuối ngày làm việc (hoặc cuối tuần) để chào nhau và nghe báo cáo công việc, tiến độ đã làm vào hôm đó (tuần đó) và nghe dự định công việc sẽ làm vào ngày hôm sau (tuần sau). Thông thường thì shurei sẽ có nội dung ngắn gọn và đơn giản hơn so với chourei. 

Mục đích và ý nghĩa của chourei, shurei?

1. Chourei, shurei giúp xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong công ty. Việc tập trung và gặp nhau thường xuyên, sẽ giúp mọi người có cơ hội nói chuyện và trao đổi, ghi nhớ khuôn mặt và tên của mọi người.

2. Nâng cao sự gắn kết giữ công ty với nhân viên. Việc tập trung và cùng nhau đọc các tôn chủ, phương châm hay kim chỉ nam kinh doanh của công ty là một cơ hội để từng nhân viên hiểu hơn về công ty, việc ghi nhớ và cùng nhau hô vang khẩu hiệu sẽ tạo nên động lực làm việc, mang lại cảm xúc để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.

3. Nâng cao trách nhiệm về công việc của mội cá nhân. Việc báo công công việc đầu ngày và cuối ngày sẽ giúp mội cá nhân tạo nên động lực để lên kế hoạch công việc. Giúp mỗi người cảm nhận được sự hữu ích và vai trò của mình đối với công ty đồng thời có thể chia sẻ thông tin giữa các cá nhân với mọi người. Giúp nâng cao động lực làm việc bằng việc hướng đến công việc và suy nghĩ tích cực.

4. Việc nghe báo công công việc hoặc bàichia sẻ cảm xúc của các thành viên sẽ giúp mỗi người có thể nắm bắt được những thông tin hữu ích hoặc có thể là những thay đổi về mặ quy định, thủ tục hoặc sự thay đổi về nhân sự trong công ty, từ đó có thể để dễ dàng hơn trong lúc làm việc.

Trải nghiệm của bản thân về văn hóa chourei, shurei tại Nhật Bản

Công ty mình đang làm việc thành lập năm 1984 và việc chourei, shurei được quy định thực hiện hằng ngày trong tuần vào mỗi buổi sáng và vào cuối ngày làm việc. Xin nói rõ hơn là thời gian chourei, shurei của công ty mình không được tính vào thời gian làm việc chính thức (tức ngoài thời gian trả lương theo quy định). Thời gian chourei thường mất khoảng 10p và shurei mất khoảng 5p. 

Mình gia nhập công công ty hiện tại được 4 năm và hằng ngày đều tham gia các buổi chourei và shurei của công ty. 

Quy trình chourei của công ty mình bao gồm các nội dung:

Mỗi ngày sẽ có một người phụ trách buổi chourei, việc phụ trách sẽ luân phiên với từng cá nhân. Quy trình như sau:

1. Tập trung

2. Thắp nến lễ thần và hành lễ theo quy định (thành thực thì mình chưa hỏi rõ là vị thần nào. Sau bài viết này mình sẽ hỏi sếp thử xem)

3. Điểm danh

4. Nghe báo cáo (tuy nhiên, do số lượng thành viên lớn khoảng 50 người) nên việc báo cáo chi tiết công việc của từng thành viên sẽ không thực hiện lúc đó, mà khi kết thúc chourei toàn công ty về từng phòng ban, mọi người sẽ tập trung lại và nghe các thành viên trong phòng báo cáo công việc.

5. Nghe bài phát biểu cảm nghĩ của người phụ trách hôm đó (bài phát biểu thường liên quan đến công việc hoặc sự thông tin đã nghe từ báo đài...

6. Đồng thanh đọc スローガン( slogan) và 実行指針 (phương châm kinh doanh của công ty).

7. Đồng thanh chào nhau và kết thúc. 

Sau khi kết thúc, thì từng phòng ban trở về phòng tập trung và nghe báo cáo công việc chi tiết hơn.

Quy trình shurei

Việc tập trung shurei cuối ngày của công ty mình thì nhanh chóng và ngắn gọn hơn.

Sau khi chuông báo kết thức ngày làm việc, mọi người sẽ cùng nhau tập trung lại văn phòng. Mỗi cá nhân sẽ báo cáo công việc đã làm của ngày hôm đó và báo cáo công việc dự kiến ngày hôm sau. 

Sau đó là cùng nhau đồng thanh hô vang câu chào cuối ngày お疲れ様でした。

Lợi ích bản thân cảm nhân được từ những buổi chourei, shurei

Đối với một người nước ngoài và khả năng tiếng Nhật chưa thực sự tốt thì mỗi buổi chourei sẽ là cơ hội để nghe và thực hành tiếng Nhật. 

Vào những ngày đầu, việc điểm danh với một tốc độ nhanh và chính xác là việc mình cảm thấy rất khó khăn. Bản thân mình đã từng gặp lỗi một hai lần do không bắt kịp tốc độ của mọi người. Trong khi đó, mình được xếp đứng ở vị trí gần cuối (công ty sắp xếp vị trí theo thứ tự gia nhập công ty), nên chỉ cần ai đó điểm danh sai, việc điểm danh sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Nên mỗi lần sau là vô cùng ngại với mọi người. 

Tuy nhiên, nhờ sự luyện tập, sau khoảng một tuần mình đã có thẻ theo kịp mọi người. Giờ đây mình rất tự tin và không run mỗi khi điểm danh cùng mọi người. Có thể do mình lúc đó chưa quen, nhưng các bạn nếu từng tham gia điểm danh với tốc độ nhanh có lẽ hiểu được cảm giác của mình lúc đó.

Tiép theo là việc luân phiên phụ trách việc chourei. Phải nói là rất run, không phải bản thân mình thấy thế mà mình có thể cảm nhận được việc hồi hộp ngay cả với người Nhật bởi mỗi thành viên phải tự chuẩn bị và nói một vài phát biểu cảm nghĩ của mình trước mặt toàn thể công ty. 

Ngay cả đến giờ, mình thường phải chuẩn bị bài phát biểu trước khoảng 2 ngày. Vì khả năng tiếng Nhật chưa quá tốt và cũng để chắc chắn bài phát biểu của mình có câu văn, ý nghĩ tự nhiên không sai sót nên mình thường chuẩn bị và nhờ người bạn Nhật check giúp một lượt trước khi học thuộc và phát biểu trước mặt mọi người. Và phần mềm mình nhờ người Nhật sửa giúp câu văn đó chính là Hello Talk mà mình đã chia sẻ trong bài viết trước. 

Cũng những những lần như vậy, giờ đây tuy còn hơi run nhưng bản thân mình cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân. Không còn run, hồi hộp trước mặt mọi người, tự tin giao tiếp và nâng cao khả năng nghe nói tiếng Nhật. 

Sự thay đổi của văn hóa chourei, shurei hiện nay

Những năm gần đây, công ty Nhật không còn tổ chức chourei quy mô lớn nữa, thay vào đó là chế độ thời gian linh hoạt. Những công ty thực hành chourei giảm theo từng tuần, từng tháng từng quý cũng có thể là từng năm. Cùng với làn sóng đầu tư ra nước ngoài, những công ty Nhật duy trì thói quen tập thể dục trong buổi chourei ngày càng ít đi.

Theo một kết quả điều tra xã hội, 60% nhân viên trả lời “luôn lắng nghe có chọn lọc những bài phát biểu tại các buổi chourei” và  4% cảm thấy rằng những bài phát biểu đó chỉ mang tính tham khảo cho vui. Mặc khác, 69% người trả lời rằng những buổi chourei luôn cần thiết để xây dựng đam mê làm việc cho nhân viên. Điều này chứng tỏ chourei là hoạt động văn hoá công ty rất bổ ích cho việc xây dựng năng lực bản thân và sự phát triển của công ty. 

Nếu các bạn đang làm việc trong một công ty có nết văn hóa chourei, shurei thì mình nghĩ là các bạn đang có cơ hội tốt để cảm nhận một nét văn hóa đặc trưng đó của Nhật Bản. Hy vọng các bạn sẽ coi đó là một cơ hội để phát triển và trưởng thành hơn trong công việc cũng như nâng cao khả năng tiếng Nhật nhé.

今後ともよろしくお願いいたします。

0 件のコメント:

Post Top Ad